Giới thiệu

Xã Bình Phú, huyện Thạch Thất ( nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội) là một xã thuần nông nghiệp. Ai đã về với vùng quê Bình Phú chắc hẳn sẽ biết đến nghệ thuật dân gian "Múa rối nước" đặc sắc của Làng Ra. Bên cạnh việc lưu giữ những nét văn hóa truyền thống quý báu ấy, xã Bình phú luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Trường THCS Bình Phú được đặt trên địa bàn xã. 

     Trường THCS Bình Phú là một mái trường có bề dày lịch sử, được thành lập từ năm 1963 mang tên là: Trường phổ thông nông nghiệp Quang Trung (Theo quyết định của ủy ban hành chính tỉnh Sơn Tây). Ban đầu trường chỉ có 7 thầy cô giáo và 3 lớp học, học sinh của 5 xã: Bình Phú, Thạch Xá, Chàng Sơn, Hữu Bằng và Phùng Xá. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, các thầy cô giáo vẫn bám trường bám lớp cùng phụ huynh và học sinh đào hầm trú ẩn để việc giảng dạy, học tập vẫn được duy trì bình thường.  Hơn 55 năm qua, trường THCS Bình Phú đã không ngừng lớn mạnh cả về chất lượng và qui mô trường lớp. Từ 3 lớp đầu tiên với hơn 100 học sinh và 7 thầy cô giáo đến nay nhà trường có 24 lớp và hơn 900 học sinh. Tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên là 47. 100% đạt chuẩn, trong đó 35 thầy cô giáo có trình độ đại học chiếm 74%. Đội ngũ các thầy cô giáo luôn đoàn kết, phấn đấu và rèn  luyện, là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo. Đó là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo. Nhiều năm liền nhà trường đạt danh hiệu tiên tiến và tập thể lao động xuất sắc, luôn đứng trong tốp đầu của ngành giáo dục huyện nhà. Có được thành tích này là do Ban Giám hiệu đã chỉ đạo sát sao hoạt động của hai tổ chuyên môn: Tổ Khoa học tự nhiên và tổ Khoa học xã hội. Các thầy cô giáo trong hai tổ luôn ý thức về việc trau dồi chuyên môn, áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để có những tiết học lôi cuốn học trò. Mỗi năm, hai tổ tiến hành hai đợt thao giảng, xây dựng các chuyên đề thiết thực và hiệu quả. Rất nhiều thầy cô giáo miệt mài bên trang giáo án để có những tiết dạy hay như cô Nguyễn Thị Bích, cô Khương Kim Oanh, cô Nguyễn Thị Oanh, cô Khương Minh Hảo, thầy Hoàng Văn Giáp, cô Nguyễn Thị Lý... Cơ sở vật chất của nhà trường ngày một khang trang sạch đẹp. Trường đã được công nhận là Trường chuẩn quốc gia giai đoạn  2001 - 2010 và tiếp tục được công nhận là trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2 - Năm học 2018- 2019      Trong năm học 2018- 2019, nhà trường đã đạt được một số thành tích đáng kể. Cô giáo Nguyễn Thị Trung, phó hiệu trưởng nhà trường được Sở giáo dục  công nhận là “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” ngành giáo dục đào tạo. Có 3 thầy cô giáo đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và  21 thầy cô đạt danh hiệu Lao động tiên tiến cấp cơ sở. Có 2 thầy cô giáo đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện là cô Phùng Thị Hảo giải ba (môn Hóa) và thầy Nguyễn Văn Việt giải nhì (môn Thể dục). Học sinh giỏi cấp huyện đạt 62 em chiếm 85 %; 6 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố. Tỉ lệ tôt nghiệp lớp 9 đạt 100%. Học sinh lớp 9 đỗ vào trường phổ thông công lập cả nguyện vọng 1 và 2 đạt 93%. Xếp loại hạnh kiểm học sinh toàn trường: Tốt 90,7%, khá 8,6 %, trung bình 0,7 %. Xếp loại học lực:  Giỏi 31%, khá 34,9%, trung bình 29,8%, yếu 4,3%.       Năm học mới 2019- 2020, toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên vẫn quyết tâm giữ vững các thành quả đạt được trong năm học vừa qua, đẩy mạnh thi đua dạy tốt, học tốt với mũi nhọn là bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Với cương vị là hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn Lãm cùng Ban Giám hiệu nhà trường đã luôn có các hình thức động viên kịp thời các giáo viên, nhân viên, nỗ lực làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất. Nhà trường có 24 phòng học văn hóa, 4 phòng học bộ môn, 1 nhà tập đa năng. Trong học kì I này, nhà trường đã làm thêm nhà để xe cho giáo viên và học sinh, số lượng máy vi tính có 28 chiếc, có 18 phòng học được lắp hệ thống máy tính, máy chiếu phục vụ giảng dạy và học tập. Kết quả thi học sinh giỏi lớp 9 đạt  46 em  chiếm 85%.      Cùng với các biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong nhà trường, việc giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là yêu cầu vô cùng quan trọng, một nội dung không thể tách rời của quá trình giáo dục, bởi nó ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách sau này của các em. Xác định được tầm quan trọng của việc giáo dục và rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh nên trong những năm gần đây và đặc biệt trong năm học này, trường THCS Bình Phú đã triển khai lồng ghép giáo dục kĩ năng sống ngay trong các tiết chào cờ và  sinh hoạt lớp, bởi 2 tiết học này là hoạt động ngoài giờ học chính, điều này sẽ làm cho các em hứng thú và tiếp thu có hiệu quả. Vai trò của giáo viên Tổng phụ trách đội và giáo viên chủ nhiệm là rất lớn trong hoạt động này. Với các tiết chào cờ hoặc lồng ghép sinh hoạt các buổi ngoại khóa trong nhà trường đã thực sự đổi mới, gần như tháng nào trong  năm học cũng có các hoạt động ngoại khóa bổ ích dành cho các em. Các em được lắng nghe, tìm hiểu về nhiều nội dung sát thực trong cuộc sống hàng ngày như các hoạt động về An toàn giao thông, giáo dục giới tính, phòng cháy chữa cháy, các trò chơi dân gian… Ban Giám hiệu có kế hoạch từ đầu năm và giao cho một số giáo viên chuyên trách vừa nhiệt tình năng động vừa có kiến thức thực tế triển khai cho học sinh theo từng khối lớp vào các buổi chiều ngoài giờ học chính khóa. Các nội dung giáo dục kĩ năng sống được thực hiện theo chủ đề hàng tháng như: Tháng 9: “ Gắn kết tình bạn, lan tỏa yêu thương” ; Tháng 10: “ Giáo dục giới tính cho học sinh, phòng chống xâm hại tình dục” ; Tháng 11 “  Uống nước nhớ nguồn” ; “ Giáo dục cho học sinh hiểu biết hơn về pháp luật nhằm hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam”; ;  Tháng 12 ,  “Hướng nghiệp với học sinh lớp 9”;    “ Giáo dục kĩ năng phòng cháy,chữa cháy”; Tháng 1 và 2 : “ Giáo dục cho học sinh biết trân trọng yêu thương ông bà, cha mẹ, người thân qua hoạt động Tết yêu thương; Tháng 3: “ Giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương đất nước qua các chuyến đi tham quan dã ngoại; Tháng 4 và 5: “ Giáo dục cho học sinh về truyền thống lịch sử của địa phương qua các hoạt động tìm hiểu tham quan, dâng hương các di tích lịch sử, đền đài”...      Có ai đó đã từng nói : “ Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải là điểm đến”. Để có được những thành quả đáng kể trên là do có sự nỗ lực phấn đấu của  tập thể nhà trường, sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo. Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, trường THCS Bình Phú sẽ có những bước phát triển mới, tiếp tục là ngôi trường đi tiên phong trong công tác giáo dục toàn diện xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân xã Bình Phú, là điểm sáng của ngành giáo dục huyện nhà.