Truyện Tấm Cám có thể phân thành ba chặng:

Chặng 1: Tấm từ thân phận đau khổ trở thành hoàng hậu. Trong chặng này, Tấm nhờ cậy nhiều đến sự trợ giúp của Bụt.

Chặng 2: Tấm tham gia vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng để giành lại công bằng. Tấm nhiều lần hóa thân và trở về sống bên vua.

Chặng 3: Tấm trừng trị cái ác, trừng trị mẹ con Cám.

1. Hãy chỉ ra các chi tiết kì ảo có trong chặng 1.

2. Truyện Tấm Cám có mấy lần Tấm hóa thân? Trong lần hóa thân nào Tấm mới trở thành người và gặp lại được vua?

3. Có dị bản ghi lại kết thúc truyện Tấm Cám là: “Tấm đem Cám làm mắm rồi gửi cho dì ghẻ ăn. Ăn đến đáy hũ thấy có đầu lâu của con gái, dì ghẻ uất quá lăn đùng ra chết”.

Hãy viết lại kết thúc truyện theo mong muốn của em để tạo kết thúc mở cho truyện cổ tích Tấm Cám.

-----------------------------

     Các bạn trình bày lời giải đầy đủ của mình vào ô Gửi Ý kiến phía dưới (chú ý không copy trên mạng). Ba bạn có lời giải hay và sớm nhất sẽ được giải thưởng từ Online Math (Giải nhất 200 000 đồng, giải nhì 100 000 đồng, giải ba 50 000 đồng). Giải thưởng sẽ được công bố vào Thứ Sáu ngày 26/07/2019. Câu đố tiếp theo sẽ lên mạng vào Thứ Sáu ngày 26/07/2019.

--------------------------

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN SỐ 73:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: Tiểu Hâm

Câu 1: Các chi tiết kì ảo trong chặng 1 là :

- Khi Tấm khóc, ông Bụt hiện lên.

- Giỏ cá đang không có gì bỗng xuất hiện 1 con cá bống.

- Khi nghe "Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người" thì con cá liền ngoi lên bờ.

- Con gà biết nói: "Cục ta cục tác ! Cho ta nắm thóc ta bới xương cho".

- Khi Tấm gọi: "Rặt rặt xuống nhặt cho tao/ Ăn mất hạt nào thì ta đánh chết!" thì liền có 1 đàn chim sẻ sà xuống nhặt thóc hộ Tấm.

- 4 lọ xương cá bống chôn dưới 4 chân giường khi đào lên xuất hiện rất nhiều thứ: khăn, yếm, đôi hài, con ngựa, bộ yên cương,..

- Con voi chở vua khi đi qua cây cầu mà Tấm đánh rơi hài liền dừng lại, kêu rống lên không chịu đi. 

Câu 2: Truyện "Tấm Cám" có 4 lần hóa thân, đó là hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, cái khung cửi, cây thị. Lần hóa thân thứ 4 nghĩa là hóa thành cây thị thì Tấm mới biến thành người và gặp được vua.

Câu 3:

     Khoảnh khắc vua và Tấm gặp lại nhau, hai người như vỡ òa trong niềm hạnh phúc trào dâng. Khỏi phải nói, sau bao ngày nhớ nhung, thương tiếc, sống lạc lõng, bơ vơ giữa chốn cung đình, giờ đây nhà vua đã có thể cùng Tấm sống vui vẻ bên nhau. Hai người nắm tay nhau ngồi xuống cùng hàn huyên tâm sự. Tấm đã kể cho vua nghe về chuỗi ngày sống bên bà lão bán nước cùng những tội ác của hai mẹ con nhà Cám. Nhà vua không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ và ghê tởm trước tội ác tày trời của bọn họ. Nghe kể, vua vô cùng thương xót cho Tấm, chàng định ngay lập tức rước Tấm về cung để bù đắp những ngày tháng gian khổ, nhưng Tấm lại từ chối không về ngay mà đề nghị nhà vua cùng làm một vở kịch. 

     Nhà vua cùng đoàn tùy tùng trở về, vẻ mặt ai cũng như thường, không biến sắc, bởi lẽ vua đã cấm không ai được tiết lộ rằng Tấm vẫn còn sống. Mẹ con nhà Cám không hay biết gì, họ vẫn mải mê tìm mọi cách để quyến rũ nhà vua. Suốt ngày suốt đêm, họ nghĩ hết cách này đến cách khác để Cám được vua thị tẩm. Có được thị tẩm thì chỗ đứng của Cám mới vững chắc, bền chặt giữa chốn hậu cung hiểm nguy này.

     Tối hôm ấy, như thường lệ, Cám lại lẻn vào phòng riêng của vua, diện một bộ đồ rất quyến rũ làm say đắm lòng người. Bước vào phòng, Cám liền thấy một bóng lưng của nam nhân. Tưởng đó là vua, Cám liền chạy ngay đến ôm chặt vào thân hình ấy, nhưng người quay ra đã khiến Cám phải sững sờ đến kinh hãi. Đó chính là Tấm - là người chị mà lúc trước ả đã tốn công mất sức tìm cách giết bỏ để vào được vị trí như ngày hôm nay.

- Còn nhớ ta không? Lâu lắm không gặp rồi nhỉ? Tấm hỏi.

     Lúc này trong đầu Cám chỉ toàn một màu trắng trống rỗng. Ả vô cùng bất ngờ tại sao người chị của mình lại xuất hiện bằng xương bằng thịt như vậy. Rồi bao nhiêu tội ác cứ thế lần lượt xuất hiện trong đầu ả. Ngạc nhiên, bất ngờ rồi sững sờ, sửng sốt, cuối cùng là kinh hãi: 

- Không phải! Không phải! Người không phải là Tấm! Cô ta đã chết rồi! Chính tay mẹ con ta đã giết ả! Cô là ma quỷ phải không? Mau biến đi... biến đi !

     Bỗng huỳnh huỵch tiếng quân lính chạy vào, mỗi người trên tay cầm một thanh kiếm nhọn hoắt chĩa thẳng vào người Cám. Nhà vua lúc này mới từ từ tiến tới bên cạnh Tấm ra lệnh:

- Bắt ả và mẹ ả nhốt vào thủy lao ! 15 ngày sau mang ra chém đầu !

      Ngay lập tức, một vài đám lính chạy tới phòng bà mẹ kế trói chặt mang đến đặt cạnh Cám. Hai mẹ con họ bị nhốt nơi thủy lao đáng sợ, không ai được phép gặp mặt.

     Do ám ảnh bởi tội ác của mình, hai mẹ con họ đã trở nên mất trí, đầu óc không tỉnh táo, sống như điên như dại. Nể tình mẹ con sống bên nhau bao năm, Tấm đã xin vua tha chém đầu cho họ và được nhà vua đồng ý. Cả hai mẹ con Cám nhặt được một mạng nhưng bị giam lỏng tại một cung nhỏ trong cung đình.

     Vậy là những kẻ độc ác bất lương đã bị trừng trị thích đáng.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Bạch Thuần Chân

1) Các chi tiết kỳ ảo đó là:

- Bụt xuất hiện, hỏi Tấm: "Vì sao con khóc?" (khi Tấm bị Cám lừa mất giỏ tép)

- Cứ mỗi khi Tấm gọi: "Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người" Bống lại ngoi lên như thể có linh tính.

- Tấm không tìm được xương cá bống, một con gà thấy thế bảo Tấm: "Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xương cho".

- Khi Tấm nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo, Bụt lại xuất hiện giúp đỡ Tấm. Một đàn chim liệng đến nhặt giúp Tấm.

- Tấm không có quần áo đẹp, Bụt dặn Tấm đào xương cá bống lên. Ở đó xuất hiện trang phục đẹp đẽ.

2) Tấm hóa thân bốn lần. Ở lần cuối cùng Tấm hóa thân thành quả thị, trở lại làm người và được gặp vua.

3) 

     Cám phát hiện mình có thai, nàng ta chợt nhớ đến những chuyện độc ác mà mình đã làm với Tấm. Thực ra Cám vốn dĩ không cố tình hại Tấm, nàng ta sinh ra là một con búp bê của mẹ mình, nghe mọi lời sai khiến và khuyên bảo của bà. Mặc dầu cũng thương chị Tấm, nhưng nàng ta không có quyền chọn lựa. Chỉ có thể lặng lẽ mà đứng đằng sau lưng mẹ chứng kiến mọi chuyện. Cám có thể làm gì? Can ngăn bà là chuyện không thể. Chẳng lẽ lại bắt Cám vì một người chị cùng cha khác mẹ mà đi tố giác mẹ ruột của mình. Khó quá, thứ lỗi nàng ta không làm được. Nhưng tội lỗi đâu chỉ của mẹ, mà bản thân rất có lỗi với chị Tấm, điều này bản thân Cám biết.  

     Cám yêu nhà vua thật lòng, nhưng ngài chỉ coi Cám là thế thân. Người nhà vua rất mực yêu thương là người chị nết na xinh đẹp - Tấm kia kìa. Trong lòng Cám thầm suy nghĩ, Tấm đã ba lần tái sinh, nàng sớm sẽ tái sinh lần cuối cùng. Cám lau đi giọt nước mắt vương trên hàng mi, nàng ta đã hạ quyết tâm rồi.

     Đêm hôm ấy, khi mặt trăng đã lên cao, Cám lặng lẽ thu xếp đồ đạc, cải trang bỏ trốn khỏi cung, nàng ta xoa bụng, thầm nói lời tạm biệt cuối cùng với hoàng cung, với nhà vua - người nàng ta yêu trong hàng nước mắt. 

     Cám tự nói một mình:

- Mẹ, bao nhiêu năm qua con đã sống trong sự sắp đặt của mẹ, giờ là lúc con sống cuộc đời của con rồi!

     Nhiều năm sau...

     Trên con đường làng, trong phiên chợ đặc biệt, một người phụ nữ ăn mặc giản dị dắt tay cô con gái xinh xắn chầm chậm bước. Cô con gái thì ngược lại, tỏ ra rất hào hứng ra sức kéo tay mẹ.

- Chậm thôi con.

     Cám mỉm cười dưới ánh bình minh chan hòa.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: Phạm Thị Thùy Linh

1. Những chi tiết tưởng tượng kì ảo trong chặng này là: chi tiết con cá bống, chi tiết đàn chim sẻ nhặt đậu cho Tấm, chi tiết con gà bới xương cá Bống, chi tiết đôi giày và bộ quần áo do ông Bụt biến ra.

2. Tấm có tới ba lần hóa thân (chính xác là bốn). Song, chỉ lần cuối cùng biến thành quả thị thì mới được bà hàng nước mang về và được gặp lại vua sau nhiều biến cố.

3. Sau khi Tấm trở lại cung vua và sống một cuộc sống vui vẻ ở đó thì hai mẹ con nhà Cám lại trở về ngôi nhà xơ xác bên cây cau già và chiếc giếng nước nhỏ. Thế nhưng, Tấm dù ở nơi cung điện nguy nga nhưng ngày đêm nàng vẫn nhớ về ngôi nhà cũ, và một chút nặng tình với mẹ con Cám. Vậy nên, cứ thỉnh thoảng Tấm vẫn thường trở về, đem quà, đồ ăn thức uống về cúng cha và biếu gì với em. Trước tình cảm kính trọng của Tấm dành cho mình, thêm cả sự ái ngại và tủi nhục khi nhớ về những năm tháng âm mưu hãm hại Tấm, hai mẹ con Cám luôn cảm thấy tâm can mình như xé ra từng mảnh. Chính vì điều đó mà hai mẹ con đã quyết định gieo mình xuống giếng mà chết. 

     Vài hôm sau, Tấm trở về nhà, nàng thấy nhà cửa vắng tanh, sân rụng đầy lá khô. Ngôi nhà lặng lẽ, im ắng như chưa có ai từng sống, chỉ có tiếng chim râm ran của buổi trưa hè rạo rực.Trước cảnh tượng hy hữu như thế mà nàng gọi mãi không thấy ai. Biết điều chẳng lành, nàng đành đi kiếm khắp nơi nhưng không thấy. Một lúc sau khi đi ra giếng rửa chân, thấy hai tà áo nâu nổi bồng bềnh , nàng sực hiểu ra mọi chuyện liền ôm mặt khóc nức nở. Cuối cùng, nàng về cung và đưa người tới vớt xác hai mẹ con Cám lên và bảo họ chuẩn bị xây cho mẹ con Cám nấm mồ. Hoàng thượng cũng về nhà cũ của Tấm, khi đến bên chiếc giếng mà Tấm đang ngồi, người rất thắc mắc về hành động của Tấm, người hỏi: "Mẹ con Cám năm lần bảy lượt bày mưu hại nàng, nàng chưa trừng phạt là làm phúc cho họ lắm rồi, há gì mà nàng phải làm vậy?". Tấm nghe vậy, thở dài não ruột: "Thưa chàng, dù mẹ con Cám có làm hại thiếp nhưng mỗi lần thiếp nghĩ về tuổi thơ thiếp không cầm nổi nước mắt. Những tháng ngày còn bé, thiếp mất cha mẹ từ sớm, dì là người nuôi thiếp. Dẫu cuộc sống mẹ ngẻ vốn vất vả, nhưng thiếp cũng chẳng thiếu đói ngày nào. Thiết nghĩ, cuộc sống trắc trở chỉ giống như một con dao, mài giũa con người để bản thân mình trở nên hoàn thiện hơn. Họ có nhiều lần hãm hại thiếp, nhưng giờ họ cũng đã hiểu được lỗi sai, họ đã tự đem cái chết mình để rửa lỗi, chẳng lẽ thiếp lại ngoảnh mặt quay lưng trước cái chết của người đã cưu mang trong những tháng ngày thiếp chẳng còn mẹ cha?". 

    Nói đến đây, Tấm đau đớn bấu trặt hai tay vào miệng giếng, để những giọt nước mắt mặn chát rơi xuống hòa vào nước giếng. Và cũng khi này, giữa mùa hạ oi ả, vẫn có một luồng gió thổi qua, đập lên hai gò mà ầng ậng nước, một cảm giác xao xuyến, mông lung đến khó tả. Làn gió lướt nhẹ trước sân, tiếng lá khô bay xào xạc. Trên cành, hai chiếc lá nhuộm màu vàng của nắng theo chiều gió đã lặng lẽ rơi xuống ...