CỐM LÀNG VÒNG

Nhà văn Mai Thục trong cuốn Tinh hoa Hà Nội có viết:

     "Cốm Vòng xuất hiện ở thôn Hậu, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm - Hà Nội khoảng sáu, bảy trăm năm nay. Cho đến bây giờ, cốm Vòng vẫn là một đặc sản nổi tiếng của Hà Nội. Người Hà Nội, một sớm tinh mơ, chợt nghe tiếng rao bán cốm của các cô gái làng Vòng, biết mùa thu đã đến. Và dù tất bật, các bà, các mẹ vẫn ghé mua lạng cốm gói trong lá sen xanh mềm, buộc cọng rơm xanh, về đặt lên bàn thờ và cả nhà cùng nhấm nháp thứ hương vị ngọt bùi của đồng quê.

     [...] Cốm Vòng gợi nhớ về cô gái làng Vòng chít khăn mỏ quạ, áo tứ thân thắt vạt, uyển chuyển với đôi quang thúng đậy kín lá sen, có mớ rơm mới xanh nuột gài cạnh, đã tạo nên nét văn hóa của làng cốm Vòng, vẫn được truyền từ đời này sang đời khác ấy... Tôi thấy nao buồn vì dự cảm đến một ngày không xa nữa, không còn được nếm những hạt cốm non ngọt hương vị đòng đòng, thơm như sữa mẹ gợi nhớ về đất đai, cây cỏ, tổ tiên, dòng giống... đến tận đáy lòng này nữa. Tôi còn buồn một nỗi cứ hô hào giữ gìn truyền thống văn hóa của cha ông, nhưng lại không giữ được những mảnh đất đã sinh ra dòng sữa, hương thơm, cội nguồn của văn hóa cổ truyền, tinh hoa của dân tộc trước sự xâm thực ồn ào như vũ bão của lối sống bon chen, thực dụng, đánh mất tình người".

1. Hình ảnh những cô gái Vòng chít khăn mỏ quạ gánh cốm đi bán gợi cho em nhớ tới văn bản nào của nhà văn Thạch Lam? Hãy tìm những câu văn cũng nói về những cô gái làng Vòng trong văn bản vừa tìm được.

2. Viết một bài văn giới thiệu về đặc sản của quê hương em.

-----------------------------

LƯU Ý: Các bạn nhớ đọc kĩ đề bài để trình bày hết những phần mà đề bài yêu cầu nhé.

-----------------------------

     CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN SỐ 74:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: Nhok thỏ

1. Hình ảnh những cô gái Vòng chít khăn mỏ quạ gánh cốm đi bán gợi cho em nhớ tới văn bản nào của nhà văn Thạch Lam? Hãy tìm những câu văn cũng nói về những cô gái làng Vòng trong văn bản vừa tìm được.

Trả lời :

* Văn bản:  Một món quà của lúa non: Cốm

* Những câu văn tương tự trong văn bản:

- Rồi đến một loạt cách chế biến, những cách thức làm, truyền tự đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn, các cô gái Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy.

- Tất nhiên là nhiều nơi cũng biết cách thức làm cốm, nhưng không có đâu làm được cốm dẻo, thơm và ngon được ở làng Vòng, gần Hà Nội. Tiếng cốm Vòng đã lan khắp tất cả ba kỳ, và đến mùa cốm, các người ở Hà Nội 36 phố phường vẫn thường ngóng trông cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng ...

2.

     Từ xa xưa, chè là thứ đồ quen thuộc đối với con người, câu nói “Chén chè là đầu câu chuyện” chắc hẳn ai cũng biết. Chè là nơi dẫn đến tình yêu của hai người cũng như là nơi hội tụ gia đình hay của của các ông cụ ngồi đánh cờ với nhau. Nó rất tốt cho sức khỏe con người không những về kinh tế cao mà còn mang đậm tính quê hương. Ngoài quốc gia kia, chè đã trở thành nét nghệ thuật cao và mang ra toàn thế giới.

     Chè xuất xứ ở nhiều nơi như Nam Á, Đông Á hay Đông Nam Á nhưng hiện nay chè đã được trải rộng ở các tỉnh thành Việt Nam như Tân Cương Thái Nguyên, Mộc Châu, Sơn La hay một số nơi khác. Ấn tượng vẫn là Thái Nguyên đặc sản quê hương tôi.

     Chè có rất nhiều loại như loại mọc thẳng hay loại leo thân cây gỗ nhưng hương vị của chúng đều làm ngây ngất lòng người đưa du khách thưởng thức vào những khoảnh khắc vui tươi và ngắm nhìn những rừng chè độc đáo của Thái Nguyên. Thân chè có rất nhiều tán tỏa ra tạo thành thân chè. Có hai loại là chè sinh dưỡng và chè sinh thực. Mầm sinh dưỡng thì nuôi cành và lá còn sinh thực thì nuôi hoa và quả. Đều làm cho cây chè phát triển và xanh tốt đua với những loại cây khác. Với tầu lá xanh nõn, hương thơm ngan ngát tỏa ra khiến cho bao ngươi phải dừng chân lại mua những cân chè hay búp chè xanh. Lá chè có thuôn theo hình bầu dục và nhọn hai đầu với những đường vân đẹp đẽ. Những rừng chè bát ngát um tùm cứ đến mùa là lại bắt đầu vén ra những mầm non cho bao người dân hái về làm đặc sản.

     Chè được trồng ở những vùng cao có khí hậu thích hợp cho sự phát triển, phát triển chậm để hưởng thụ những tia nắng chiều vào làm cho cây càng xanh tốt. Lá chè là thứ mang lại nhiều về mặt kinh tế cũng như về thức uống mang tính đậm đà quê hương.

     Ngoài ra chè còn rất hữu ích đối với những bệnh ung thư hay huyết áp, làm đẹp cho da cũng là một phần. Nó là thủ tục nghi lễ truyền thống của một số nơi, mang cho ta những hương thơm quyến rũ người uống vào những ly chè ngan ngát ấy. Nhưng cũng có một số lưu ý khi uống chè như người cao tuổi thì uống chè với lượng vừa phải hay những người ốm yếu thì không nên uống nhiều. Đặc biệt là không nên uống chè vào đêm vì nó gây mất ngủ đối với nhiều người, không được uống khi đang đói nó sẽ làm cồn ruột cảm giác đau bụng.

     Bước làm chè gồm 7 bước tất cả, đầu tiên là hái chè nên hái những búp chè non vì nó mang những hương thơm hơn những lá già. Tiếp đến ta mang chè ra phơi khô sương để thoát hết ẩm trong quá trình vận chuyển. Sau khi chè được loại bỏ những chất nát rồi vò. Rồi tiếp đến ta mang chè vào tôn xoay. Bước đến là làm khô chè trong tôn quay và đổ chè ra nia. Bước cuối là đóng gói để mang ra thị trường hay mang vô pha thức uống để mọi người cùng thưởng thức.

     Chè là loại cây rất độc đáo với những hương thơm khiến cho bao người thưởng thức và đóng góp về mặt kinh tế. Mai sau chè sẽ còn được phát triển ra xa ngoài kia rộng lớn. Mang lại nhiều công dụng bổ ích đối với con người.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Nguyễn Tuyết Mai

Nghe đâu lai láng những vần thơ; 

               Anh có về Phú Thọ với em không?

              Cùng em ngắm cánh đồng đang vụ cấy

              Mùi mạ non nghe lòng xao xuyến vậy

              Chân vội vàng em quẩy gánh mạ non.

          Tôi lại mường tượng ra khung cảnh chợ quê sum họp. Nơi các bà, các chị rảo bước làm xao xác con đường lắt léo dẫn ra bãi đất trống, nơi cái nắng cháy da cháy thịt không làm vơi đi tâm trạng hồ hởi của những con người chất phác nồng hậu này. Những sớm mai cùng mẹ đi ra chợ, tôi thường nhặng xị đòi mẹ mua đồ này đồ nọ. Vào những lúc đó, tôi hay hỏi: "Mẹ ơi, hôm nay ăn gì thế?" dù ánh mắt hau háu của tôi cũng đủ để mẹ biết câu trả lời. Loanh quanh trong một góc nhộn nhịp của khu chợ, chúng tôi đến trước cửa hàng thịt chua. Nếu Thạch Lam viết về cốm với niềm vui dung dị của con người đã từng vương trên mình những bụi đời bỗng nhiên được gột rửa tâm hồn với thú vui của con trẻ, thức quà tinh thần thì tôi có thể khẳng định với các bạn niềm tự hào của tôi về thịt chua Thanh Sơn: Món quà của đất tổ.

         Ở mảnh đất trung du đầy nắng gió này, du khách không chỉ nao lòng bởi vẻ đẹp hoang sơ của những triền núi hùng vĩ, hay vẻ đẹp thơ mộng của những đồi chè ngút ngàn mà họ còn bị siêu lòng bởi những món ăn bình dị dân dã như bản tính của con người nơi đây. Để mỗi khi ghé thăm miền đất này, họ lại xốn xang mà nhung nhớ; "Lạ lùng rêu đá, đậm đà thịt chua." Nói về đặc sản này thì nổi tiếng nhất là thịt chua Thanh Sơn do người Mường sáng tạo ra. Chính vì sự khó khăn của những dân tộc miền núi, họ đã làm ra thịt chua để dự trữ thức ăn dần, kết tinh những giá trị của quê hương.

          Thịt chua có cách làm khá đơn giản nhưng để có một lọ thịt chua hấp dẫn và đạt yêu cầu là cả một nghệ thuật. Nét đặc trưng dân dã của món ăn này thể hiện qua từng nguyên liệu như: thịt lợn, ngô, gạo,... Họ không hoa mĩ cầu kì nhưng lại rất cẩn thận, chau chuốt khi lựa chọn những nguyên liệu đảm bảo. Những con người ấy, họ là những nghệ sĩ trong gian bếp chật hẹp, hun đúc lên ngọn lửa tinh thần, thắp lên niềm tự hào cho miền quê nghèo Phú Thọ. Thịt chua ăn được sau 3-4 ngày ủ kín trong ống nứa.

            Thịt chua có vị thanh nhẹ, bừng lên vị chua của thính, vị bùi của thịt, độ dai của bì kết hợp với vị chát ngọt của lá ổi tạo như đánh thức vị giác đã ngủ yên lâu ngày. Mỗi lần bỏ miếng thịt vào miệng, tôi lại sung sướng chờ đợi khoảnh khắc nó tan ra nơi đầu lưỡi. Lúc đó tôi như anh của chú chuột đầu bếp, được chú ta khai sáng vị giác cho vậy. Còn gì tuyệt hơn khi chúng ta rót thêm ly bia, chấm thêm chút tương ớt và thế là đã có ngay một buổi chiều vui vẻ lai rai với nhau. Khi men say đã thấm đượm trong hơi thở, khi ly đã cạn, ta tìm được cho mình khoảng không gian nơi niềm vui vẫn còn phảng phất. Chính vì lẽ đó mà thịt chua đã trở thành thứ đồ nhắm quen thuộc, là món ăn trong những dịp sum họp gia đình.

              Những hương vị xưa cũ đó luôn có một sức hút không nhỏ không chỉ với mỗi người con đất tổ mà còn với cả những thực khách vẫn còn lạ lẫm với thức quà của chốn yên bình này. Khi thức ăn không chỉ được cảm nhận bằng vị giác mà bằng cả tấm lòng. 

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: An

1. 

* Hình ảnh những cô gái Vòng chít khăn mỏ quạ gánh cốm đi bán gợi cho em nhớ tới văn bản "Một thứ quà của lúa non - cốm" của nhà văn Thạch Lam.

* Những câu văn cũng nói về những cô gái làng vòng trong văn bản "Một thứ quà của lúa non - cốm" là : 

- Rồi đến một loạt cách chế biến, những cách thức làm, truyền tự đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn, các cô gái Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy. 

- Các người ở Hà Nội 36 phố phường vẫn thường ngóng trông cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng ...

2. Bài làm: 

    Quê hương là nơi  "Chôn rau cắt rốn" của mỗi con người, những ngày xa quê lên trên thành phố làm, chắc hẳn ai cũng đưa theo những món đặc sản ở quê mình lên làm quà hoặc để ăn cùng với các món khác. Thanh Chương thì có một món nhút vô cùng ngon, nhắc đến Đô Lương ta lại nhớ ngay đến những chiếc  đa mà ta thường ăn với món hến xào. Nhưng tôi rất tự hào với đặc sản quê tôi là nhưng chiếc cu đơ ở Hà Tĩnh. 

    Nói đến cu đơ là những thành phẩm vô cùng ngọt ngào của những người làm ra nó, kẹo được làm từ mật mía, gừng, đường và đổ vào hai miếng bánh tráng kẹp lại. Nhắc đến cu đơ chắc hẳn ai cũng thèm với những miếng cu đơ thơm ngon dẻo dẻo và khi uống với một tách trà vào một mùa mưa thì thật là hết sức tưởng tưởng vị ngon của nó ra sao. Tuy nó cũng là một đặc sản lâu từ trước cách mạng tháng Tám đến giờ nhưng bây giờ nó vẫn là một món mà ai nhắc đến sẽ biết liền là Hà Tĩnh.  Đến quán tạp hóa nào để mua một cái gì đó thì không thể thiếu kệ bánh cu đơ được ghi trên bảng rất to "Cu Đơ Hà Tĩnh". Khi ăn một miếng cu đơ vào miệng thì sẽ nhớ tới nhưng người làm ra nó quả là một kì công. Khi nào ăn tôi cũng đặt câu hỏi làm răng họ làm được chiếc cu đơ ngon như ri ", mỗi lúc ăn là tôi không thể ăn 1 cấy mà tôi đôi khi ăn đến 2 , 3 cấy  nữa. Thực sự nó ngon đến nỗi tôi không thể cưỡng lại được. Dù bận rộn đến mấy chăng nữa nhưng gì vẫn nhủ mẹ tôi rằng: "chị mua cho em mấy bịch cu đơ để ra đó làm quà nhá". Cu đơ là một món ăn nhâm nhi của tôi, ngày nào tôi cũng muốn ăn nó nhưng tôi phải ăn dành dụm chứ mẹ cũng không thể lúc nào cũng mua cho tôi được .

    Cu đơ như là một niềm tự hào của quê tôi Hà Tĩnh, đó là một đặc sản lâu đời nhưng vẫn được di truyền đến ngay nay. Mỗi miếng cu đơ tôi nghĩ sẽ làm giải tỏa đầu óc của bạn và khi ăn một miếng rồi bạn sẽ ăn đến miếng thứ hai. Nếu bạn chưa ăn cu đơ bao giờ bạn hãy ghé đến quê tôi để thưởng thức nhé!