Trong “Sapiens- Lược sử loài người” tác giả Yuval Noah Harari đã chia sẻ về “Khoa học và Cách mạng công nghiệp đã đem lại cho nhân loại những quyền lực siêu việt cũng như nguồn năng lượng gần như vô biên”. Nhưng một câu hỏi mà bản thân tôi muốn đặt ra là, việc khám phá ra những nguồn năng lượng vô tận mở ra trước mắt con người rất nhiều đặc quyền, trong đó phải kể đến quyền tự do. Nhưng chính sự tự do ấy lại xuất hiện rất nhiều khía cạnh tiêu cực khác khiến chúng ta phải suy ngẫm. Đúng như ông Giản Tư Trung - Viện trưởng viện nghiên cứu và giáo dục phát triển IRED từng khẳng định “Tự do không có văn hóa là thứ tự do hoang dã”. 

     Trước hết, ta cần hiểu tự do là không bị ràng buộc bởi bất kỳ lý do nào, được giải phóng khỏi những khuôn khổ nhất định và phát triển theo ý thích. Tiến trình phát triển của loài người là đi từ tự do hoang dã đến tự do trong xã hội văn minh. Văn hóa là những phong tục, tập quán đặc trưng của mỗi vùng, miền đất nước. Nhưng hiểu theo nghĩa rộng hơn, văn hóa còn bao hàm cả hiểu biết trật tự xã hội, ứng xử văn minh tiến tới cái đẹp chân - thiện - mỹ rời xa cái tự nhiên hỗn mang. Ngược lại, tự do hoang dã là sự tự do không phân định đúng sai mà chỉ nhằm thỏa mãn cái tôi cá nhân, niềm vui thích nhất thời mà không lường trước đến hậu quả. Câu nói của ông Giản Tư Trung là một lời nhắc nhở chúng ta không nên hiểu lệch lạc, nhầm lẫn về tự do. Sự tự do luôn phải gắn cùng nhận thức về văn hóa. 

    Tự do văn hóa chính là tiền đề để xã hội phát triển. Chúng ta đều biết những giá trị văn hóa dù ở thời đại cũng là nhân tố đảm bảo xã hội phát triển văn minh và công bằng. Vì vậy mọi quyền lợi chúng ta có đều gắn với hệ quy chiếu là ý thức văn hóa. Kể cả là tự do. Khi tự do có văn hóa chúng ta sẽ có môi trường tốt nhất để phát triển về cả năng lực và nhân cách. Ta được tự do sáng tạo nằm bên ngoài những khuôn mẫu hay từ chối đi theo những lối mòn đã cũ. Nhưng giá trị chúng ta tạo ra chỉ được công nhận nếu đó là tác phẩm văn hóa phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tự do có văn hóa giúp nâng tầm giá trị con người và chính thành quả lao động của chúng ta cũng sẽ được trân trọng. 

   Chính vì điều đó chúng ta cần phân biệt giữa tự do có văn hóa và tự do hoang dã. Tự do hoang dã là trút bỏ ràng buộc, trật tự thậm chí là cả giới hạn đạo đức. Nếu không có tư duy đúng đắn, tự do đạo đức sẽ kéo con người đi ngược với nền văn minh của nhân loại. Đối với một bộ phận người trong xã hội sống với việc theo đuổi chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối cùng sự hoang dã của bản năng và không coi trọng giá trị văn hóa xã hội sẽ không bao giờ được coi trọng dù mang trong mình tài năng xuất chúng đến đâu đi chăng nữa. Chúng ta có thể thấy những hiện tượng như những vụ án giết người, tham nhũng, cướp bóc… đều có một phần xuất phát từ sự tự do thiếu suy nghĩ này. Song tôi muốn nhấn mạnh đến một sự tự do “hoang dã” tưởng như vô hại nhưng lại là con dao giết người thầm lặng đó là quyền tự do ngôn luận. Đối diện với một vấn đề đang nổi cộm, người ta thường không có cái nhìn thấu đáo rồi sử dụng chính ngôn từ của mình như một vũ khí công kích người khác. Tư duy ấy kết hợp cùng hiệu ứng đám đông đem đến những hậu quả không thể tưởng tượng được. Năm 1993, báo chí thế giới khắp nơi đã đăng tải hình ảnh em bé Sudan đói khổ gục ngã trên đường tới tại cứu nạn. Ở phía sau đứa bé chính là con kền kền đợi sẵn. Tác giả của bức ảnh này là Kevin Carter đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích và bị cáo buộc là kẻ độc ác đứng vô tâm chụp hình mà không ra tay cứu giúp. Áp lực dư luận quá lớn đã khiến anh ấy phải tự tử. Nhưng sự thật phía sau chính là anh không thể tiếp xúc với người dân tại đó vì có thể gây lây lan bệnh dịch. Việc duy nhất anh có thể làm là đuổi con kền kền đi. Anh không cứu được đứa trẻ tội nghiệp ấy nhưng đã gián tiếp cứu mạng rất nhiều người khác. Đáng tiếc anh lại bị dồn vào đường cùng chỉ vì những người “nhân danh công lý” nhưng thực chất chỉ là cái vỏ rỗng tuếch trong suy nghĩ. 

     Lời khuyên của ông Giản Tư Trung thật sâu sắc và có giá trị rất lớn đối với thế hệ trẻ ngày hôm nay. Cá nhân tôi vô cùng trân trọng sự tự do mà mình có. Song tôi biết rằng sự tự do ấy phải đi cùng trách nhiệm. Bên cạnh việc phát huy bản sắc cá nhân chúng ta cần làm tròn bổn phận với xã hội: sống lương thiện, tuân thủ pháp luật và lan tỏa những giá trị tốt đẹp.