Từ những bức ảnh trên khiến lòng tôi trào dâng niềm biết ơn sâu sắc đối với những người anh hùng của đất nước. Họ là những con người ngày đêm làm việc, hiến dâng phần đời đẹp đẽ nhất dành cho Tổ quốc “dù là tuổi hai mươi/ dù là khi tóc bạc”. Ngược dòng thời gian về thế kỉ XX, đất nước chìm trong khói lửa của chiến tranh. Thời thế tạo anh hùng, đã có biết bao chàng sinh viên trẻ, những bác nông dân cả đời gắn bó với đồng ruộng, những người công nhân là việc trong các nhà máy nghe theo tiếng gọi cứu nước cầm súng lên đường đánh đuổi giặc ngoại xâm. Lần lượt những chiến công vang dội xuất hiện trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử như Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu hay Giải phóng miền Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Nhưng đằng sau những trang sử hào hùng ấy là biết bao anh hùng đã ngã xuống không kịp chờ đến ngày độc lập, xương máu các anh hoà cùng đất nước kiến tạo cuộc sống hoà bình ấm no cho chúng ta ngày hôm nay. Song “hoà bình” chưa phải dấu chấm hết cho thời đại của những người anh hùng. Họ vẫn sống cống hiến hết mình cho Tổ quốc vì cộng đồng chưa bao giờ quên nhiệm vụ của mình. Có thể kể đến gần đây nhất là ba chiến sĩ của lực lượng phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội hy sinh khi làm nhiệm vụ để lại trong lòng người bao thương xót. Các anh ra đi mang trên mình những chiếc áo còn nhuốm màu đen của khói lửa, khói lửa thời bình cũng đau lòng không kém. Những người lính trẻ tuổi hai mươi đã đi không tiếc đời mình cho nhân dân thật đáng trân trọng. Và “không phải tất cả anh hùng đều mặc áo choàng” như cách mà các y bác sĩ, bộ đội chiến sĩ...đã cống hiến thầm lặng trong đại dịch Covid 19 suốt 2 năm qua không kể ngày đêm khiến chúng ta không khỏi thổn thứcXả thân trượng nghĩa vì đời và an toàn của nhân dân còn là chủ tịch Phan Thanh Miên - người đã qua đời trong trận lũ miền Trung 2021 khi dầm mình trong nước lũ thực hiện công tác cứu hộ. “Nếu muốn làm nên lịch sử, hãy giữ cho trong trái tim mình hình bóng của một người hùng”. Và câu chuyện của ba chàng lính cứu hoả đầy dũng cảm, những nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch và sự hi sinh của người lãnh đạo đáng kính Phan Thanh Miên là người hùng trong trái tim tôi đánh thức trong tôi ý thức, trách nhiệm đối với cộng đồng. "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc."( Vũ Hoàng). Câu hát đã trở thành kim chỉ nam soi chiếu nhắc nhở chính mình sống để trở thành một phần của xã hội đem tài năng và trí tuệ cống hiến cho đất nước. Là một cánh chim chập chững bước vào đời,tôi nhận ra sống cống hiến là lẽ sống cao quý, hành trang giá trị mỗi người nên sở hữu trên hành trình chạm đến sự hoàn thiện của nhân cách. "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". ( Tố Hữu)