Nếu một ngày được diện kiến thần linh, tôi sẽ hỏi người “Cõi đời là gì?”. Đó là điều gì khiến bao người phải vượt bao khó khăn thử thách để được nếm trải mùi vị của nó. Trên thế gian có biết bao gian nan nhưng đâu mới là thách thức lớn nhất của con người - sinh vật đa đoan, đa sự, lắm truân chuyên nhưng cũng ẩn giấu những kho báu tiềm năng vô hạn. Chúng ta đều mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết tiến lên phía trước với mong muốn chinh phục những đỉnh cao nhưng có mấy ai hoàn thành được ước nguyện. Và tôi cho rằng thách thức lớn nhất đã cản bước con người đến thành công chính là sự cố chấp và bảo thủ lưu giữ những cái cố hữu không còn phù hợp với thời đại. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này chính là ta cần một tư duy mới: tư duy sáng tạo, đổi mới để tiến xa hơn trên mọi khía cạnh của cuộc sống. Bức ảnh trên đã cho tôi những chiêm nghiệm quý giá ấy. 

       Nhìn vào trong bức ảnh ta đều thấy những con người nhỏ bé đang đẩy những khối vuông về phía trước một cách khó khăn. Nhưng chỉ riêng một người đi nhanh nhất, ông ấy lại đẩy một khối tròn. Điều đó giúp tốc độ của ông nhanh hơn những người đẩy khối vuông. Không phải ngay từ ban đầu người đàn ông ấy đã được “ưu ái” đẩy một khối tròn chiếm phần thuận lợi hơn so với người khác. Mà chính người đàn ông ấy đã đẽo gọt khối vuông của mình thành hình tròn để dễ dàng đẩy về phía trước. Qua bức ảnh trên ta thấy những người vẫn đang chật vật với khối vuông là những người đang bị mắc kẹt trong vòng tròn tư duy hữu hạn. Họ chỉ biết làm theo “công thức” đã có sẵn như một chiếc máy lập trình mà không hề tính toán đến cách thức khác giúp mình nhanh chóng đạt được mục đích. Còn người đàn ông với khối tròn là đại diện cho những con người với tư duy sáng tạo. Họ biết cách thích ứng với môi trường xung quanh đồng thời khám phá ra những cái mới khiến họ trở thành cá nhân với bước tiến vượt bậc hơn so với người khác. Từ đó, chúng ta hiểu được bức thông điệp của tác giả gửi gắm qua hình ảnh trên: Đừng cứng ngắc tuân thủ nguyên tắc vốn có, hãy để bản thân mình bứt phá, đổi mới sáng tạo là động lực để ta có thể tiến xa hơn và tìm đến những chân giá trị mới phù hợp với hoàn cảnh thời đại. 

        Trong cuộc sống, con người thường xoay quanh mười hai chữ “Buông không đành, nghĩ không thông, nhìn không thấu, quên không được”. Và đặc biệt ba chữ “buông không đành” luôn khiến chúng ta sống trong vòng luẩn quẩn của những chấp niệm với cái cố hữu không thể buông bỏ. Tận sâu trong suy nghĩ của chúng ta vẫn luôn là suy nghĩ giữ gìn cách thức truyền thống đã làm từ bao đời nay. Rất nhiều người đã thành công với nó vậy chúng ta cũng có thể. Tuy nhiên, hãy thử một lần suy xét nguyên tắc ấy có còn phù hợp với thời đại và chuyển biến xã hội ta đang sống không? Cuộc sống chính là trục số biến thiên tại mọi điểm, những điều không thể phát triển theo kịp tốc độ biến thiên của cuộc sống sẽ dần bị đào thải. Và một số nguyên tắc “cứng ngắc” trong công việc cũng không nằm ngoài quy luật đấy. Khi chúng ta cứ cố chấp theo đuổi những điều “cũ mèm như trái đất” mà không có ý định thay đổi thì chúng ta cũng sẽ nhanh chóng bị đào thải cùng những nguyên tắc “cứng ngắc” mà ta đang theo đuổi và tuân thủ theo. Một ví dụ tiêu biểu phải kể đến “Nokia” - một tượng đài công nghệ bị sụp đổ. Từng được coi là đối thủ đáng gờm của iPhone ấy vậy mà Nokia lại “ngủ quên trên chiến thắng” không chịu thay đổi và cải tiến những sản phẩm công nghệ của mình như các ông lớn khác. Cuối cùng, họ bị chính người tiêu dùng quay lưng bởi sản phẩm của họ tạo ra không có nhiều tiện ích như các hãng điện thoại thông minh khác dù Nokia đã xây dựng được thương hiệu vững chắc trên thị trường. Đến lúc họ quyết định “thay đổi” thì đã quá muộn, không có cú trở mình ngoạn ngục nào dành cho ông lớn một thời “Nokia”. 

        Ngược lại với sự cố chấp và bảo thủ giữ gìn cách thức cũ thì vẫn có một số người vươn lên cực kì mạnh mẽ với những đổi mới sáng tạo độc đáo. Họ không hề bị ràng buộc trong những khuôn mẫu tư duy nhàm chán, họ tạo ra những đột phá đầy bất ngờ giúp họ vượt qua khó khăn dễ dàng và tiến xa hơn so với những người khác. Chính tư duy sáng tạo đã khiến họ trở thành những “Người dẫn đường” có sức mạnh “đặt “những bước chân đầu tiên trên con đường hoàn toàn mới” với “nhãn quan không hề vay mượn”. Họ chính là những người khai sáng tự mở ra con đường thành công riêng cho chính mình. Nói đến một tượng đài “khi sáng tạo làm nên sự vĩ đại” phải kể đến Steve Jobs. Cùng hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp vi tính nhưng bằng bộ óc sáng tạo vô tận của mình, ông đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp điện tử. Bắt đầu từ iMac, Apple tiếp tục giới thiệu máy nghe nhạc cầm tay iPod, với phần mềm nghe nhạc kỹ thuật số iTunes và iTunes Store, công ty đánh mạnh vào nhu cầu âm nhạc và điện tử phổ biến của người tiêu dùng. Năm 2007, Apple gia nhập thị trường điện thoại di động với sản phẩm iPhone,một trong những thương hiệu điện thoại thông minh phổ biến trên khắp thế giới cho đến tận hôm nay. Danh tiếng hiện nay của Apple cũng là nhờ phần đóng góp rất lớn từ nhà lãnh đạo tài ba Steve Jobs. 

         “Không có gì vĩnh cửu ngoài sự biến đổi”. Đó là lời của vị triết gia Heraclis. Đổi mới chính là nhân tố quyết định giúp chúng ta sinh tồn trong thời đại đầy biến động. Có một số người vẫn rất sợ phải “thay đổi” hay sáng tạo những cái mới vì họ sợ sai lầm và thất bại. Những sự thay đổi luôn tìm ẩn nguy cơ có thể đánh sập mọi nỗ lực trong thời gian qua. Nhưng hãy nhớ rằng: sự thay đổi là một mối đe dọa nếu ta là đối tượng thụ động của nó nhưng sẽ là cơ hội sẽ là cơ hội nếu ta chủ động tạo ra nó. Vì vậy đừng ngần ngại sáng tạo ra những giá trị mới. Ít nhất chúng ta cũng sẽ gặt hái cho bản thân những kinh nghiệm quý giá hơn là làm một con rùa rụt cổ mãi mãi không thể nhìn thấy ánh sáng của thành công chiếu rọi đến bản thân. 

           Tôi đã từng là một Belikov bị giam giữ trong cái bao của lối sống cũ im lìm nhàm tẻ và luôn làm theo mọi khuôn mẫu được người khác xây dựng. Nhưng rồi khi tôi được chứng kiến bức ảnh trên và nhận ra giá trị của sự sáng tạo có thể có thể kéo con người ta ra khỏi tư duy chật hẹp để làm lại cuộc đời, tôi đã thực sự thay đổi. Belikov trong tôi đã chết để bắt đầu hành trình  áng tạo đặt nền móng cho những bước tiến mới trên con đường chinh phục đỉnh Everest trong trái tim mình.