Mỗi giây, trên thế giới lại có 1.8 người chết đi. Có những người trẻ, có những người già. Và có bao giờ bạn tự hỏi, làm thế nào để những giây phút nhắm mắt xuôi tay, chúng ta được mãn nguyện vì mình cuối cùng cũng đã sống trọn một cuộc đời không. Nhớ lại ý thơ mà Nguyễn Trọng Tạo viết xưa kia “Có những cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ Có con người sống mà như qua đời” thấy thôi thúc trong bản thân đi tìm ý nghĩa, mục đích sống cho cuộc đời của mình. Cho đến khi đọc cuốn sách “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần tôi đã tìm ra câu trả lời cho mục đích sống của mình vì điều gì. Đó là trở thành ánh sáng xua đi mây mù ngự trị tại những trái tim đang nguội lạnh trong bóng đêm của nỗi buồn đang bủa vây. Nỗi buồn là trạng thái tâm lý xuất hiện khi chúng ta khi rơi vào tuyệt vọng, bất lực trước tầng tầng lớp lớp khó khăn cuồn cuộn ập tới. Nếu nỗi buồn là một gia vị, ta chắc chắn không bao giờ muốn thêm vào “món ăn tinh thần” của chính mình vì cảm giác bị kẹt lại trong nỗi buồn vô tận không bao giờ là dễ chịu. Song “Đời người là một hợp đồng trọn gói, hạnh phúc khổ đau… Tất cả chỉ bán chung một gói, không thể mua riêng từng thứ” (Rando Kim). Vì vậy, sự tồn tại của nỗi buồn là một phần tất yếu trong cuộc đời con người. Đó là hiện thực không thể chối bỏ, ta chỉ còn cách đón nhận nó trong một tư thế sẵn sàng tiếp nhận những tổn thương. Nhưng ta cũng phải thừa nhận một sự thật khác không phải “nỗi buồn” nào con người cũng có thể chống đỡ, đôi khi nó mang một sức nặng ngàn cân vượt qua giới hạn chịu đựng của chúng ta để lại những vết thương không bao giờ lành miệng nhức nhối thành cơn không dứt. Và nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã đưa ra một giải pháp hữu hiệu xoa dịu cơn đau ấy “Nỗi buồn chỉ có thể với đi bằng tình yêu thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ nỗi buồn, chúng ta sẽ không bao giờ buồn hơn, người khác lại thấy vui hơn”.  Tình yêu thương là chiếc bàn là tinh thần ủi thẳng những nếp nhăn của số phận đồng thời là cách chúng ta bắt gặp thượng đế trong chính mình. Kết quả của mọi phép chia luôn nhỏ hơn kết quả ban đầu nhưng với phép chia yêu thương, mọi thứ đều tăng lên gấp bội. Tỉ lệ nghịch với phép chia yêu thương là phép nhân nỗi buồn, cảm xúc tiêu cực vơi dần theo từng phép chia và biến mất chỉ để lại niềm vui ôm trọn một góc tâm hồn. Quả đúng như khuyết danh “Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác nhưng nó cũng trở nên thật đẹp đẽ và hạnh phúc hơn”. Hạnh phúc ấy không chỉ ban tặng cho cuộc sống của chính chúng ta mà còn là cả một cộng đồng. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện đầy cảm động của chàng Youtube Lương Phi với biệt danh “Phi một chân”. Anh đã vượt qua nỗi đau của chính mình để bắt đầu hành trình việc tử tế giúp những hoàn cảnh kém may mắn như anh và truyền cảm hứng cho những mảnh đời bất hạnh vượt qua nỗi buồn luôn thường trực trong trái tim bước ra thế giới rộng lớn bắt đầu cuộc sống mới. Đồng thời nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần còn gửi đến lời cảnh tỉnh sâu sắc về lối suy nghĩ vị kỷ trong mỗi chúng ta “Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. “Rồi họ sẽ ổn thôi” là cái cớ để ta quay lưng với những người đang bị nỗi buồn dày vò tinh thần mỗi ngày. Họ chỉ cần một bàn tay ấm áp, một cái ôm yêu thương để vượt qua tất cả nhưng ai cũng ngại ngần cho đi những điều nhỏ bé ấy. Lòng tốt hình thức sẽ chẳng chữa lành bất cứ tâm hồn đang tổn thương nào thậm chí khoét sâu hơn khiến vết thương rỉ máu. Nhà văn Nga Lev Tolstoy từng viết: “Hạnh phúc là ngụ ngôn, bất hạnh là chuyện đời”. Mong sao tất cả mọi người, tôi và bạn đừng vì nghĩ nỗi buồn chỉ đơn giản là “chuyện đời” mà thu hẹp tấm lòng mình khiến trái tim càng thêm chật chội. Chúng ta chẳng cần làm gì cao cả, mỗi hành động nhỏ song được làm nên từ một trái tim chân thành chính là liều thuốc hữu hiệu nhất để hạnh phúc một lần nữa lại cập bến trong tâm hồn. “Với phân tích cuối cùng, tình yêu là cuộc sống. Tình yêu không bao giờ thất bại và cuộc sống không bao giờ thất bại chừng nào còn có tình yêu thương” ( Henry Drummond)