Đâu phải tự nhiên nhà giáo dục nhân văn Sukhomlynsky tâm niệm “Con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất và trong trái tim người khác”. Có lẽ chăng để sống cuộc đời có ý nghĩa thay vì đơn thuần tồn tại, ta cần khám phá chiều dài của cuộc sống song quá trình ấy, ta không cần quá vội vàng. Đúng như nhà bác học Albert Einstein từng nói “Anh càng đi nhanh, anh càng đi được ít”. Nghe câu nói của bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ XX có vẻ vô lý nhưng lại hợp lý vì nó xuất phát từ một chân lý. “Đi” trong vế thứ nhất của Einstein là tốc độ sống, nhịp sống hàng ngày của chúng ta. Còn “đi” trong vế thứ hai là cuộc sống theo chiều sâu. Nó phản ánh mức độ chúng ta hiểu biết về cuộc sống bao nhiêu phần và khiến phần hiểu biết đó thành trải nghiệm của riêng mình. Câu nói của Albert Einstein nhắc nhở chúng ta có lẽ trong cuộc sống ta không cần bắt đầu với tiến trình nhanh chóng vội vàng, đôi khi nó có thể dẫn đến sự hời hợt trong quá trình khám phá bản chất. Có ai đó từng nói rằng “Chất lượng luôn hơn số lượng”, ta đi đến đâu mà những kinh nghiệm ta thu hoạch được là gì? Bản chất của mỗi chuyến đi luôn là học hỏi như tục ngữ ta có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Vì vậy, con người “đi” không phải để thể hiện mình nhanh hơn người khác mà để làm đầy cho chiếc túi “trí tuệ”. Những chuyến đi giúp con người ta mở rộng trái tim và nhãn quan đối với thế giới, những dấu chân sẽ đi cùng những kỉ niệm và chỉ khi bước ra ngoài, con người mới có cơ hội thay đổi thực đơn cho giác quan. Cứ đi dù chùn chân mỏi gối, dù có lúc đã lấm láp bụi đường, những hành tinh lên đường, rời khỏi vùng an toàn, những chuyến đi đôi khi mang tới và đánh thức trong mỗi con người sự dũng cảm đối diện với thách thức, giúp ta phá bỏ định kiến, nhìn sâu hơn vào cuộc đời kỳ diệu. Nhiều người, nhờ vào những chuyến đi mà tìm lại được chính mình, bởi ta chỉ sống một lần trên đời nên cứ hãy thám hiểm, mơ mộng và yêu tất cả những gì ta từng đi qua. Đơn cử như John Hùng Trần từng rời bỏ cuộc sống thường ngày tại Mỹ trở về Việt Nam, tìm về cội nguồn xứ sở. Cuộc hành trình hai năm khám phá dải đất hình chữ S đã được ký thác trong cuốn “John đi tìm Hùng”, anh đã mượn câu nói của Mark Twain để nói về giá trị của những chuyến đi “Đi khám phá là hành trình giết chết thành kiến, sự cố chấp và đầu óc hạn hẹp”. Có thể nói, “đi” chính là mảnh ghép không thể thiếu của cuộc sống này. Nhưng dường như nhiều người hiểu sai ý nghĩa của những chuyến đi, “đi” để ganh đua hơn thua với người khác? Liệu điều đó có đúng? Tôi cho rằng là không. “Đi” càng nhiều với sự vô định và bị động ta dễ đánh mất giá trị đích thực vốn có mà tạo hoá ban tặng.Ta có thể thấy điều đó ứng nghiệm với nhân vật Nhĩ trong “bến quê”của Nguyễn Minh Châu. Nhĩ cả cuộc đời từng đi không sót “một xó xỉnh nào trên thế giới” nhưng đến cuối cùng anh lại bỏ lỡ vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông, anh nhận ra mình đã lãng quên sự hy sinh thầm lặng của người vợ tảo tần cùng thời gian bên cạnh các con. Vậy đó há chẳng phải là “anh càng đi nhanh, anh càng đi được ít” hay sao? “Đi” ít ở đây chính là không thể đi hết hành trình sống một cách trọn vẹn, ta lạc lối trong mê cung của những cái vòng vèo chùng chình mà đánh mất giá trị đích thực của cuộc sống. Dù ta đi chậm nhưng nếu ta biết cách chắt lọc tinh túy từ mỗi chuyến đi ta sẽ “đi” được nhiều hơn không chỉ là chiều rộng mà còn là chiều sâu của trường đời rộng lớn. Tuổi 18 với tương lai phía trước đầy hứa hẹn, tôi hiểu rằng mình không nhất thiết phải đi quá vội vàng để bỏ lỡ nhiều điều trong hối tiếc nhưng điều đó không có nghĩa tôi để xã hội bỏ lại mình ở phía sau. Mong mỗi chúng ta "đi" trong quỹ thời gian hạn hẹp của đời mình đều không cần gấp gáp, đừng quên thưởng thức cảnh đẹp bên đường.