Cuộc sống không bao giờ là những cơn sóng ì ạt xô dạt vào lòng bãi cát. Nó là một con thuỷ quái luôn chực chờ nuốt ta xuống đáy vực sâu thẳm. Bởi vậy giữa dòng chảy vạn biến đổi thay, ta luôn phải nuôi nấng trong chính mình hạt mầm hy vọng, một ngọn hải đăng dẫn đường. Và câu nói “Anh càng đi nhanh, càng đi được ít” ( Albert Einstein ) là một trong số những ngọn hải đăng dẫn đường của tôi. Câu nói được tạo nên bởi hai vế đối lập “càng đi nhanh” thì “càng đi được ít”. Nghe tưởng chừng như đứng ở hai cán cân đối lập nhau nhưng lại khẳng định một chân lý: Không phải ta trải nghiệm càng nhanh càng nhiều, ta sẽ trở thành “cuốn bách khoa toàn thư” về cuộc sống, ngược lại vì tốc độ trải nghiệm quá nhanh, ta lại vô tình đánh rơi những “hạt bụi vàng” giá trị. Mà chính những “bụi vàng” ấy mới là nhân tố tạo nên trí tuệ. Vậy phải chăng cứ đi nhanh ta sẽ thông thái hiểu biết và đặt chân đến “đại lộ danh vọng không? Câu trả lời là không. Bước sang thế kỷ XXI - thời đại của tốc độ và khoa học công nghệ. Ai cũng khao khát được nắm giữ sức tri thức nhân loại nên họ đã dồn ép chính mình phải thật nhanh chóng tiếp nhận “sức mạnh khổng lồ” ấy. Điều này đã “ăn” vào một phần tư duy của mỗi người: chỉ cần nhanh, ta sẽ có được tất cả. Nhưng thực tế lại đưa ra kết quả ngược lại, nhà văn Jack London là một ví dụ. Ông tích luỹ vốn văn học của mình một cách” chầm chậm”. Ông luôn tận dụng thời gian và cơ hội để đọc sách, mỗi lần phát hiện ra từ ngữ hay câu nói hay nào trong sách hoặc từ điển, ông đều sẽ viết lại vào một tấm thẻ nhỏ. Chính nhờ sự tích lũy không ngừng nghỉ, đọc lại rất nhiều lần mà ông đã có được cho mình một lượng từ ngữ vô cùng phong phú, đồng thời trở nên thuần thục hơn trong việc viết văn, và cuối cùng trở thành một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Dù Jack London trên hành trình cầm trong tay vòng nguyệt quế để cười đắc thắng với đời ông đi với tốc độ “chậm” nhưng những điều ông tích luỹ được lại chẳng ít chút nào. Đây chẳng phải là “đi” càng chậm, chúng ta càng “đi” được nhiều hay sao? Chắc hẳn có đôi lần đi dọc tuổi trẻ của mình, chính ta từng cảm thấy bất lực vì tại sao những người khác luôn đi nhanh hơn mình, tại sao mình không thể bắt kịp tốc độ thành công của họ thì mong bạn đừng buồn. Mỗi người đều sống trong một múi giờ riêng của mình, điều dại dột nhất là so sánh bản thân mình với người khác. Họ đi nhanh nhưng chưa chắc họ là hiểu sâu sắc lẽ đời bằng những người đi chậm nhưng dùng tất cả các giác quan để cảm nhận cuộc sống. “Hạnh phúc không có đường tắt, thành công không có đường cao tốc” ( 999 bức thư gửi cho mình ). Đi “chậm mà chắc” để bản thân không gặp gỡ với cuộc sống ở mọi khía cạnh, trong hoá thân muôn hình vạn trạng và phức tạp. Ta không nên để tâm đến quãng đường mình đi được, hãy nghĩ về bài học kinh nghiệm ta tích lũy sau quá trình trải nghiệm. Tôi cho rằng, đó là điều đáng giá hơn hết thảy so với việc đi nhanh nhưng trí tuệ vẫn luôn dậm chân tại một chỗ. “Đi” càng nhanh càng dễ đi sai đường, lạc lối trong những cái vòng vèo, chùng chình không lối thoát. "Sai một ly, đi một dặm" nếu "đi" nhanh nhưng không cẩn thận có thể đưa tất cả nỗ lực của ta về con số 0 tròn trĩnh. Nhưng không vì thế, ta cho phép chính mình ngừng cố gắng. Quy luật phát triển của xã hội là đào thải những cá thể không bắt kịp với xu hướng đi lên của nhân loại. Nếu bạn cứ cho mình quyền được chậm trong thế giới số đang phát triển ngày càng cao, bạn chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau trở thành “kẻ lạc hậu” đi giật lùi với thời đại. St. Augustine đúc kết "Thế giới là một cuốn sách, ai không đi chỉ đọc được một trang...” song trữ lượng cuộc đời là hữu hạn, thời gian ngắn ngủi để ta sống hết mình vì vậy ta cần “đi” nhanh nhưng song hành với một trái tim nóng, một trí tuệ minh mẫn luôn mở cửa đón chào ánh sáng của tri thức. Tôi tự nhủ với chính mình sẽ có thêm nhiều chuyến đi trong cuộc đời dấn thân và bứt phá vì vẫn còn có những con đường mang tên “những dấu chân hoang hoải” nên mong bản thân đủ dạn dày để bước tiếp, không cần quá vội vàng chỉ cần vững vàng trong cuộc chạy maratong tới thành công.